1. Vị trí: Đền Nghè tọa lạc tại địa điểm 55 phố Lê Chân, nằm giáp hai mặt phố Mê Linh và Lê Chân, thuộc phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
2. Lịch sử: Đền Nghè có tên gọi đầy đủ là “ An Biên cổ miếu” , những công trình kiến trúc đầu tiên của đền được làm từ năm 1924 - 1927.Theo văn bia được lưu giữ tại đền thì vào mùa xuân năm Giáp Tý, niên hiệu Khải Định thứ 9 ( năm 1924), nhân dân làng An Biên hội họp, khởi công trùng tu tôn tạo di tích miếu An Biên, sau ba, bốn năm mới hoàn thành.
3. Nhân vật: Đền thờ Nữ tướng Lê Chân, bậc Thánh mẫu rất linh thiêng, vị Phúc thần, Thành hoàng khai sinh ra mảnh đất nội đô Hải Phòng. Nữ tướng Lê Chân sinh vào thập niên đầu công nguyên tại xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương trong một gia đình có truyền thống dạy học và làm thuốc chữa bệnh cứu người. Lớn lên, bà nổi tiếng bởi sự thông minh và tài sắc. Thái thú Tô Định tìm mọi cách ép bà làm thê thiếp nhưng bà kiên quyết cự tuyệt, cùng thân thuộc lánh nạn về vùng đất ven biển, đặt tên nơi mới là An Biên. Năm 40, bà theo lời kêu gọi của Trưng Trắc, Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa và được phong là Chưởng quản binh quyền rồi lại tuân lệnh vua, bà xây dựng An Biên thành tiền đồn phòng thủ ven biển, xây dựng trang An biên ấm no, hạnh phúc
4. Cấu tạo: Từ phố đi vào đền Nghề qua Nghinh môn lớn, Nghinh môn, Nghinh môn được xây ba cửa lớn trên có trang trí nhiều mảng với nhiều bức phù điêu, câu đối tinh xảo. Đền Nghè là một tổ hợp liên hoàn gồm nhiều tòa kiến trúc như tòa Bái đường, gian Tiền bái, tòa Thiêu hương, nhà Giải vũ, Hậu cung đền... công trình nào cũng được gia công, tạo tác rất kì công, trang trí tinh xảo, mỹ thuật phong phú, đa dạng và nổi bật. Trong di tích đền Nghè có 273 di vật, cổ vật là những đồ thờ tự, tế khí, được tạo tác bằng nhiều chất liệu khác nhau: gỗ, đá đồng, gốm, sứ, vải, giấy... có giá trị cao về lịch sử văn hóa và mỹ thuật. Trong đó có hệ thống bia đá là nguồn tư liệu lịch sử quý của di tích và địa phương như: thạch trụ "Thiên đài nhất trụ" dựng năm 1705; bia "Phối hưởng bi ký", dựng năm 1829; bia “Hậu thần bi ký - Hương lệ phất dụng tư điền hoàn tôn", bia dựng năm 1887...Trong hệ thống di vật, một số cổ vật làm bằng chất liệu đá rất có giá trị lịch sử, mỹ thuật, để lại nhiều thông điệp cho mọi người trong việc tìm hiểu di tích và về Nữ tướng Lê Chân.
5. Vai trò: Đền Nghè là công trình kiến trúc truyền thống mang tính tiêu biểu đậm dấu ấn triều Nguyễn đầu thế kỉ XX. Đây còn là địa chỉ tâm linh quen thuộc, linh thiêng bậc nhất của người dân thành phố Cảng.